Áp dụng giá mới cho vé máy bay, không chỉ khách hàng phải chi thêm tiền, mà các đại lý bán vé cũng lo phát sốt vì phải tăng tiền ký quỹ. Các công ty lữ hành rơi vào tình trạng muốn có giá tour thấp để thu hút khách du lịch, nhưng không dám ôm vé máy bay giá khuyến mãi.
Ngày 16.5.2011, tổng công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines (VNA) đã điều chỉnh giá vé máy bay nội địa theo khung giá mới. Như vậy, VNA là hãng hàng không cuối cùng thực hiện việc điều chỉnh giá vé theo quyết định tăng trần giá vé máy bay nội địa của bộ Tài chính (trước đó Jetstar Pacific (JPA) và Air Mekong đã công bố mức giá mới).
Đại lý thiệt thòi vì vay lãi cao để ký quỹ
Ông Nguyễn Cảnh Nam, giám đốc công ty Lam Hồng – đại lý hãng hàng không VNA, cho biết mức tăng giá trần thấp nhất của VNA là 5% áp dụng cho các chặng bay có cự ly từ 850km đến dưới 1.000km, mức tăng giá trần cao nhất là 26,7% cho các chặng bay có cự ly dưới 300km, tính bình quân giá vé của VNA tăng khoảng 17%. Giá vé tăng như vậy, nhưng do nhu cầu đi lại bằng máy bay để rút ngắn thời gian cần giải quyết công việc hay du lịch không giảm nên sắp tới nhiều tuyến bay sẽ không giảm lượng khách hàng ngày, vào những lúc lễ, tết có thể vẫn bị cháy vé. Khổ cho các đại lý bán vé máy bay phải tăng tiền ký quỹ nhưng không được tăng hoa hồng theo doanh thu của vé.
Ông Nam phân tích, đại lý ký hợp đồng với hãng hàng không theo năm, nhưng ký quỹ thanh toán tính theo kỳ báo cáo là các ngày: 7, 15, 23, 30 mỗi tháng. Đại lý phải dự tính bán khoảng bao nhiêu vé trong một kỳ báo cáo, từ đó ký quỹ số tiền gần gấp đôi số vé đăng ký thì mới không bị động khi số vé bán cao hơn dự tính. Dựa trên số tiền ký quỹ, cứ đại lý xuất một vé, chưa kịp thu tiền của khách thì hãng hàng không đã trừ tiền trong quỹ. Kỳ thanh toán với hãng hàng không chỉ được nợ kéo dài trong vòng 15 ngày. Mỗi đầu kỳ báo cáo, số tiền ký quỹ phải được đại lý nộp đủ theo hợp đồng, nếu thiếu dù chỉ 20.000 đồng thôi thì ngày hôm sau không xuất được vé nữa, hệ thống bán vé tự động cắt. Bởi thế, doanh nghiệp làm đại lý vé máy bay phải tính toán thu tiền về càng nhanh càng tốt. Thu tiền khách lẻ dễ, còn với khách là những đơn vị lữ hành thường thanh toán một hoặc hai lần trong tháng. Muốn giữ khách hàng, đại lý phải “cắn răng” cho nợ, rồi ứng tiền hay phải vay thêm ngân hàng để nộp ký quỹ cho đủ với hãng hàng không.
Ông Nam cho biết, ngay khi biết thông tin giá vé may bay tăng, doanh nghiệp đại lý bán vé máy bay đã phải lo chạy thêm tiền ký quỹ. Ngân hàng kêu lãi suất lên đến 21%/năm và nói rằng đấy không phải lãi suất cố định một năm, có thể ba tháng sẽ điều chỉnh lãi suất một lần. Lãi suất vay tăng, tiền ký quỹ tăng nhưng hoa hồng không được tăng, khoản lợi nhuận của đại lý bán vé máy bay teo tóp.
Lữ hành không dám ôm vé máy bay giá rẻ
Các hãng hàng không nói vẫn duy trì đa dạng giá vé máy bay nội địa từ hạng phổ thông đến hạng khuyến mãi giá thấp nhất để phục vụ khách, như VNA có bảy mức giá từ hạng K đến hạng P. Mức giá hạng P (giá thấp nhất) chỉ bằng khoảng 41 – 45% so với hạng K (phổ thông cao nhất). Thế nhưng, dù là rẻ nhất thì giá máy bay từ 16.5 ở bất kỳ tuyến bay nào cũng cao hơn trước đó, cộng thêm quy định về phí hoàn vé, thay đổi đặt chỗ, thay đổi hành trình khắt khe hơn và cũng tăng (VNA tăng 25%), nên việc mua vé giá rẻ nhất cũng được khách cân nhắc kỹ vì vé giá rẻ thường rơi vào giờ bất tiện, rủi lỡ chuyến là mất trắng tiền hoặc vừa phải bù vừa bị phạt vé mới có thể có chuyến đi tiếp. Quy định khá rối rắm, nên các đại lý luôn phải phân tích kỹ từng loại giá kèm từng điều kiện hoàn, đổi.
Các công ty lữ hành đã bắt đầu gặp rắc rối khi phải thương lượng lại với khách hàng về giá tour nội địa khi giá vé máy bay tăng. Bà Cao Thị Tuyết Lan, giám đốc công ty du lịch lo khó có lời khi tổ chức cho những cơ quan, đơn vị du lịch theo đoàn đông. Chẳng hạn, có đoàn 200 khách của một tập đoàn hoá mỹ phẩm muốn đi Đà Nẵng – Hội An với số tiền bằng năm ngoái. Đầu năm, công ty đã nhận dù phải buộc bụng giảm lợi nhuận để giữ khách được du lịch đúng chất lượng dịch vụ, giờ giá vé máy bay đi Đà Nẵng hạng phổ thông đã tăng thêm 20%, coi như công ty du lịch lỗ.
Nhiều công ty lữ hành biết giá vé máy bay tăng, nhưng không dám lấy vé trước đó vì khách hàng đặt tour hay thay đổi vào giờ chót, nếu đóng phạt 250.000 – 500.000 đồng theo từng hạng vé, thì lời đâu chẳng thấy, có khi ôm vé bỏ luôn. Công ty du lịch càng không dám mua vé máy bay giá rẻ vì khó thực hiện. Ở các hạng vé khuyến mãi (hạng E và P), chỗ phải được xác nhận trước khi xuất vé trong vòng 24 tiếng, nhưng có khi chưa đủ 24 tiếng là hệ thống đã huỷ vé. Đã huỷ rồi thì khó có lại vé hạng đó được cho chuyến đi mà khách muốn.